Vấn đề bổ nhiệm cán bộ và bằng cấp chính trị tôi từng nhắc đến trước đây nhưng vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí còn vướng mắc hơn.
Các khóa học lý luận chính trị hiện nay đã được tổ chức lại, quy củ hơn, đặc biệt là các lớp trung cấp. Không như trước, rất nhiều cơ sở tự tổ chức học và cấp chứng chỉ, bây giờ chỉ các trường Chính trị mới được phép "chiêu sinh". Lớp học được tổ chức theo kế hoạch, không phải ai và lúc nào cũng có thể nộp đơn. Học viên phải học liên tục các ngày trong tuần, không còn hệ vừa học vừa làm nữa.
Điều đặc biệt khác trước là tiêu chuẩn bắt buộc, Đảng viên mới được đi học, người đang trong diện "cảm tình Đảng" cũng không đủ điều kiện. Theo quy định trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch, nếu không có phần "cứng" là bằng chính trị sẽ không được bổ nhiệm và tái bổ nhiệm. Vì vậy, tựu trung lại, phải là đảng viên mới có thể đảm nhận các vị trí lãnh đạo, từ những cấp nhỏ nhất như phó phòng.
Trong khi chúng ta đang kêu gọi huy động mọi nguồn lực để phát triển xã hội, quy định này trở thành rào cản thực sự rất lớn cho những trí thức, những người tài năng muốn đóng góp cho đất nước. Không dễ thuyết phục một bác sĩ giỏi bỏ ba tháng chuyên môn để đi học chính trị. Hơn nữa trong lúc các ông ấy đi học, ai mổ cho bệnh nhân bây giờ.
Từ thực tế này, tôi đề xuất hai việc:
Thứ nhất, đối với đơn vị sự nghiệp công lập y tế và giáo dục, nên cân nhắc về yêu cầu bắt buộc phải có bằng trung cấp chính trị mới được bổ nhiệm một số trường hợp nhất định, hoặc các vị trí cấp thấp như trưởng khoa, phòng. Nếu duy trì tiêu chuẩn này sẽ còn nhiều người giỏi bỏ khu vực công ra hệ thống tư nhân để làm lãnh đạo, trưởng kíp thậm chí hiệu trưởng, giám đốc trong lĩnh vực chuyên môn sâu của mình. Càng không thể mời các giáo sư, tiến sĩ người nước ngoài hay Việt kiều về nước làm việc lâu dài.
Có người nói giỏi chuyên môn không nhất thiết hoặc không nên làm lãnh đạo. Nhưng đó chỉ là một cách nói, trong những bối cảnh nhất định. Không một nơi nào trên thế giới mà những người giỏi không muốn phấn đấu lên vị trí cao hơn. Không trở thành trưởng khoa làm sao họ phát triển khoa học, kỹ thuật theo hướng mình mong muốn. Không trở thành lãnh đạo, sao họ kéo được những người tài năng về nhóm làm việc của mình...
Thứ hai, các khóa đào tạo trung cấp chính trị không nên tổ chức tập trung kéo dài mà nên chú trọng vào hiệu quả. Học viên các lớp này đều là người trưởng thành, có học thức, việc điểm danh như con nít - đang diễn ra ở không ít lớp học hiện nay - không phải cách làm phù hợp để thay đổi nhận thức chính trị của những người có ăn học. Quan trọng nhất là kết quả cuối cùng. "Đầu ra" sẽ là cuộc thi trắc nghiệm nghiêm túc đánh giá chính xác các kiến thức mà nhà trường muốn cung cấp cho học viên. Tự đọc là phương pháp tốt hơn rất nhiều để thấm các tư tưởng triết học.
Tôi hy vọng vào sự lắng nghe và chờ đợi sự thay đổi.
Nguyễn Lân Hiếu