Bệnh sởi và rubella (hay sởi Đức) đều do virus gây ra, dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần. Hai bệnh này có thể gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ và thai phụ. Chúng đều có triệu chứng chính là phát ban trên da nên dễ gây nhầm lẫn.
BS.CKI Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn cách phân biệt triệu chứng phát ban sởi và ban rubella dưới đây.
Ban sởi
Ở thời kỳ ủ bệnh và khởi phát (khoảng 14-17 ngày), người bệnh chưa nổi ban mà thường sốt cao đột ngột 39-40 độ C. Ban sởi chỉ xuất hiện ở giai đoạn toàn phát (khoảng 4-6 ngày), người bệnh sốt cao hơn.
Ban sởi không ngứa, dạng dát sẩn, phẳng hoặc hơi nổi gờ so với bề mặt da, màu đỏ tía, sờ mịn. Các nốt ban hình tròn hoặc bầu dục, tập trung thành đám tròn 3-6 mm, nằm xen kẽ với các mảng da lành.
Theo bác sĩ Long, đặc trưng của ban sởi là xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ đầu mặt rồi lan tới cổ, tay, bụng, hai chi dưới, tuy nhiên hiếm khi nổi ở lòng bàn tay và bàn chân. Người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng sởi thường mắc sởi thể nhẹ. Ở thể này, ban sởi nằm rời rạc, kích thước nhỏ, không kết dính, bay nhanh. Người bệnh phục hồi nhanh. Ở thể nặng, ban dày đặc, mọc kín toàn bộ da trên cơ thể, thậm chí cả lòng bàn tay, lòng bàn chân. Riêng người mắc sởi thể xuất huyết, ban dày, sậm màu, ấn vào không mất đi.
Khi ban đã nổi khắp toàn thân, nếu không có biến chứng, người bệnh vào giai đoạn hồi phục, giảm sốt, tổn thương da biến mất theo đúng thứ tự mọc. Các nốt ban nhạt màu dần, chuyển từ đỏ sang màu xám, bong vảy mịn, có thể để lại vết thâm. Các mảng thâm này và mảng da lành tạo ra dấu hiệu "vằn da hổ" - đặc trưng của bệnh sởi. Các mảng thâm này thường tự hết sau vài tháng.
Ban sởi ở một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ban rubella
Bệnh rubella có thể bắt đầu bằng 1-2 ngày sốt nhẹ, kèm sưng đau hạch, thường ở phía sau cổ hoặc cạnh tai. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi hết ban. Vào ngày thứ hai hoặc thứ ba, phát ban bắt đầu xuất hiện, lúc này sốt cũng giảm dần.
Khác với sởi, bệnh rubella phát ban không có trình tự, có thể nổi ở đầu mặt rồi lan dần xuống thân hoặc xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, cùng lúc. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính 1-2mm, các nốt có thể tập trung thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, có thể ngứa và chỉ sau 2-3 ngày là biến mất. Ban rubella bay cũng không theo quy luật nào và không để lại vết thâm như ban sởi.
Người nhiễm rubella thường đau khớp hoặc đau khắp người. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.
Bác sĩ Long khuyến cáo người có các dấu hiệu như sốt, phát ban, nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thai phụ nên sớm đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không nên tự đoán, tự điều trị khiến bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tính mạng và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp