Thông tin được ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nêu tại tọa đàm "Sáng tạo nội dung và quảng bá thương hiệu - từ cộng tác đến cộng hưởng", chiều 30/11. Cùng tham gia bàn thảo có các đại diện từ Meta, TikTok, Vinamilk và nhiều chuyên gia đầu ngành.
Sự phát triển như "vũ bão" của cộng đồng sáng tạo số
Mở đầu sự kiện, ông Do chỉ ra sự thay đổi rõ rệt của ngành sáng tạo nội dung trong vòng một thập kỷ qua. Trước đây, sáng tạo nội dung chủ yếu mang tính cá nhân và chưa được xem như một ngành nghề thực thụ. Hiện tại, lĩnh vực này đã chuyển mình thành một ngành công nghiệp chuyên nghiệp, nơi nhà sáng tạo phải đầu tư nghiêm túc, chỉn chu hơn trong cách xây dựng nội dung. Những sản phẩm thiếu chất lượng hiện không còn chỗ đứng trên thị trường, bởi các nhãn hàng và người dùng mạng xã hội ngày càng đặt ra tiêu chuẩn cao.
Ông Lê Quang Tự Do ở diễn đàn phiên sáng. Ảnh: Quỳnh Trần
Sự chuyển dịch này đòi hỏi các nhà sáng tạo nội dung không chỉ sáng tạo mà còn phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Họ trở thành kênh truyền thông hiệu quả, giúp nhãn hàng tối ưu hóa chi phí quảng cáo và tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu. Ngành sáng tạo số đã phát triển vượt bậc trong 10 năm qua với những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, thúc đẩy nhà sáng tạo đầu tư cả về chiến lược và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sự phát triển của xu hướng nhãn hàng hợp tác cùng các nhà sáng tạo nội dung quảng cáo sản phẩm càng đòi hỏi cộng đồng sáng tạo đầu tư nhiều hơn.
Ông Lê Quang Tự Do (thứ hai từ phải sang) nêu sự thay đổi của ngành sáng tạo nội dung trong 10 năm qua. Ảnh: Quỳnh Trần
Tiếp nối vấn đề về hợp tác với các thương hiệu, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Cấp cao Mảng Tiếp thị Nội dung tại Mindshare, GroupM Vietnam cho rằng chiến lược sử dụng influencer (người nổi tiếng) là một giải pháp hiệu quả, giúp nhãn hàng tiếp cận chính xác đối tượng mục tiêu. Sự phù hợp giữa người ảnh hưởng và sản phẩm hoặc lĩnh vực cụ thể không chỉ tối ưu hóa chi phí mà còn nâng cao hiệu quả truyền thông, đặc biệt khi so sánh với quảng cáo đại trà như TVC trong khung giờ vàng. Đối với các sản phẩm thuộc thị trường ngách, influencer đóng vai trò cầu nối, đưa thông điệp đến đúng nhóm khách hàng, thay vì lan tỏa một cách không đồng đều như các phương pháp truyền thống.
Hơn nữa, việc hợp tác với influencer còn giúp thương hiệu dễ dàng đo lường hiệu quả chiến dịch thông qua các công cụ kỹ thuật số hiện đại. Thương hiệu có thể thu thập phản hồi từ người tiêu dùng, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu, thắc mắc và kỳ vọng liên quan đến sản phẩm. Điều này không chỉ cải thiện sản phẩm mà còn tăng tính tương tác giữa nhãn hàng và khách hàng. Đây là ưu điểm nổi bật so với các kênh truyền thông một chiều vốn thiếu sự linh hoạt trong việc đánh giá hiệu quả chi tiết.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan nói về sức ảnh hưởng của influencer. Ảnh: Khương Nguyễn
Bên cạnh tính hiệu quả, sử dụng influencer còn mang lại lợi ích vượt trội về mặt cá nhân hóa và độ tin cậy. Các influencer thường là những cá nhân gần gũi, như một người bạn hoặc đồng nghiệp trong cộng đồng, nên tiếng nói của họ dễ dàng được chấp nhận hơn so với quảng cáo truyền thống. Nhờ đó, nội dung được truyền tải thông qua họ thường tạo được cảm giác gần gũi, tăng cường sự gắn kết giữa thương hiệu và người tiêu dùng.
Để hiểu thêm về tiềm năng của influencer marketing, khán giả đã đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Phương Chi, Quản lý chính sách công thị trường Việt Nam của Tập đoàn Meta. Bà Chi nhấn mạnh rằng influencer marketing không chỉ là một xu hướng mà còn đang trở thành chiến lược tiếp thị cốt lõi, giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến thị trường một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Trả lời thắc mắc từ khán giả về lý do YouTube có vẻ "e dè" hơn trong việc phát triển tính năng livestream bán hàng, bà Phương Huỳnh, Quản lý Đối tác Chiến lược tại YouTube, cho biết nền tảng này tập trung vào các tính năng như mua sắm trực tuyến nhưng vẫn duy trì giá trị cốt lõi: xây dựng cộng đồng lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế và tạo tác động xã hội tích cực. Bà khẳng định YouTube luôn ưu tiên bảo vệ môi trường số an toàn, giúp nhà sáng tạo kết nối khán giả và đạt doanh thu bền vững.
Bà Phương Huỳnh, Quản lý Đối tác Chiến lược tại YouTube chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khương Nguyễn
Các tính năng mới của YouTube được phát triển với mục tiêu nâng cao trải nghiệm người dùng, tránh phá vỡ hệ sinh thái hiện tại. Đồng thời, nền tảng áp dụng bộ quy tắc cộng đồng nghiêm ngặt để đảm bảo rằng nội dung trên mọi định dạng luôn lành mạnh và phù hợp với tiêu chuẩn của cộng đồng.
Luật mới để bảo vệ người dùng
Trước sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng quảng cáo thông qua người có sức ảnh hưởng, đặc biệt là livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, các thương hiệu đã nhanh chóng đưa sản phẩm lên các nền tảng nội dung số. Song song đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng tích cực đưa ra các biện pháp kiểm soát để theo kịp sự thay đổi này.
Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông đang xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến quảng cáo, nhằm hạn chế tình trạng mập mờ trong nội dung truyền tải. Đối với các vi phạm, bên cạnh những biện pháp tài chính truyền thống, bộ này đề xuất áp dụng "biện pháp mềm", chẳng hạn yêu cầu cân nhắc vị trí địa lý của quảng cáo, hoặc các cơ quan truyền thông không nhắc tên thương hiệu vi phạm. Đây được xem là cách tiếp cận linh hoạt, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực mà không gây gián đoạn toàn bộ hệ sinh thái số.
Liên quan đến việc quản lý nội dung thời gian thực như livestream, câu hỏi đặt ra là các nền tảng hiện triển khai những giải pháp nào để kiểm soát thông tin và bảo vệ người dùng. Trả lời vấn đề này, ba nền tảng lớn Meta, TikTok và YouTube đều nhấn mạnh các nỗ lực của mình trong việc duy trì môi trường an toàn và minh bạch.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam bàn thảo về chính sách và tiêu chuẩn cộng đồng cho nhà sáng tạo nội dung. Ảnh: Khương Nguyễn
Theo đó, TikTok đã phát triển bộ tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng cho tất cả người sáng tạo nội dung, đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ như bộ lọc (filter) để ngăn chặn các nội dung vi phạm. Nền tảng này cũng hưởng ứng Nghị định 147, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành sáng tạo nội dung, đồng thời bảo vệ người dùng trước các hành vi vi phạm pháp luật.
Meta tập trung vào hai hướng chính: tăng cường đầu tư vào chính sách và công nghệ bảo mật, song song với việc nâng cao nhận thức người dùng thông qua các chiến dịch giáo dục. Dự kiến, công ty sẽ đầu tư 20 tỷ USD cùng 40.000 nhân sự toàn cầu từ năm 2026 để tăng cường kiểm soát thông tin. Ngoài ra, Meta cũng sẽ giới thiệu công nghệ nhận diện gương mặt, giúp phát hiện các video giả mạo và các nội dung lừa đảo khác.
Bà Nguyễn Phương Chi, Quản lý chính sách công thị trường Việt Nam của Tập đoàn Meta giới thiệu các công cụ bảo vệ người dùng mà doanh nghiệp đang triển khai. Ảnh: Khương Nguyễn
Trong khi đó, YouTube áp dụng chiến lược kiểm soát thông tin theo phương pháp đa lớp. Nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện các nội dung vi phạm, kết hợp với đội ngũ chuyên gia và hệ thống cờ cộng đồng để xử lý những trường hợp phức tạp. Ngoài ra, YouTube cung cấp các tính năng giúp người dùng bảo vệ quyền riêng tư, chẳng hạn như ẩn nhận xét độc hại. Nền tảng này cam kết tiếp tục cải tiến công nghệ nhằm duy trì sự an toàn và tin cậy cho người dùng.
Vietnam iContent 2024 mở cửa từ 9h ngày 30/11 tại nhà thi đấu Quân khu 7, TP HCM. 19h là lễ vinh danh Vietnam iContent Awards 2024. Chương trình hứa hẹn bùng nổ với phần xuất hiện của nhiều sao và các tiết mục âm nhạc.
Xuyên suốt phiên diễn đàn buổi sáng, gần 20 gian hàng đón hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm, tương tác minigame, nhận hàng trăm phần quà. Vietnam iContent 2024 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp tổ chức cùng Báo VnExpress, Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online).
Thái Anh